Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể. Chương trình đã xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm – nội thất – trang trí, vải – may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm và tích cực triển khai của các địa phương thông qua việc xây dựng đề cương của các Bộ ngành, lập và phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 – 2020 và đăng ký tiêu chuẩn OCOP cho nhiều loại sản phẩm của các địa phương.
Với yêu cầu của Chương trình là phải gia tăng được giá trị, quảng bá được thương hiệu, khẳng định và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của các địa phương lên tầm quốc gia, toàn cầu thì ngoài việc Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tín dụng, Nhà nước cũng sẽ tập trung hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng, phát triển thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Đây là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công của Chương trình OCOP với sinh kế của công đồng dân cư lớn trên phạm vi cả nước. Nếu hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, bài bản và phù hợp về quy mô, phương thức triển khai sẽ đóng vai trò quan trọng, cụ thể:
Giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất sản phẩm OCOP phát triển các mối quan hệ với các bạn hàng: Là cầu nối giữa DN, HTX, hộ sản xuất với khách hàng, hoặc giữa các DN, HTX, hộ sản xuất với nhau trong cùng một hệ thống sản xuất, phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến hành chào hàng, ký kết hợp đồng và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi, đẩy mạnh sự lưu thông, phân phối hàng hóa.
Công cụ hữu hiệu để giúp sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường: XTTM đảm bảo được chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất tới tay người tiêu dùng, kết nối cung cầu, đảm bảo sản phẩm OCOP được tiêu thụ đúng thị trường, đối tượng, thời gian, số lượng, chủng loại và cung cấp thông tin dự báo thị trường để phục vụ công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP trong thời gian tiếp theo. Thông qua hoạt động XTTM, các thông tin sản phẩm sẽ được thông tin tới thị trường giúp tạo niềm tin và sẵn sàng mua của người tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất sản phẩm OCOP chiếm lĩnh và mở rộng thị trường.
Góp phần thay đổi cơ cấu tiêu dùng của khách hàng: Chủng loại sản phẩm OCOP rất phong phú và đa dạng nên chất lượng của cùng một mặt hàng cũng rất phong phú và đa dạng. Thói quen tiêu dùng và sự đánh giá về cùng một mặt hàng trên thị trường rất khác nhau. Một sản phẩm OCOP có thể được ưa thích ở thị trường này song lại không được chấp nhận ở thị trường khác, giá có thể cao ở thị trường này song lại rất thấp ở thị trường khác. Hoạt động XTTM phù hợp, đúng thị trường, thời điểm sẽ có tác động làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng, gợi mở nhu cầu, kích thích người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho nhu cầu này hay là nhu cầu mua sản phẩm OCOP khác.
Làm cho hoạt động bán sản phẩm OCOP trở nên dễ dàng hơn, nâng cao năng lực và tạo lợi thế cạnh tranh: Trong bối cảnh tự do hoá thương mại hiện nay, khi mà hàng hoá dịch vụ được chào bán trên thị trường rất dồi dào và phong phú thì hàng hoá và dịch vụ dù tốt và rẻ đến mấy nhưng nếu không được người tiêu dùng biết đến thì cũng không thể bán được. Qua việc XTTM, các sản phẩm OCOP có thể tạo ra được những lợi thế về giá bán, đưa hàng vào kênh phân phối và quyết định lập các kênh phân phối hợp lý từ đó làm cho việc bán hàng dễ dàng và năng động hơn.
Góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP và tăng trưởng kinh tế chung của quốc gia: Hiện nay kinh tế thế giới đang trong tiến trình hội nhập sâu, rộng như tham gia vào các tổ chức quốc tế khu vực, liên khu vực, ký kết các hiệp định FTA, hội nhập đa phương vào WTO và các quan hệ kinh tế quốc tế khác đã tạo cơ hội cho các quốc gia mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh hàng hóa XK ra thị trương nước ngoài, xong cũng khiến các quốc gia phải đối mặt với những thách thức mới. Để tận dụng các cơ hội và khắc phục những thách thức, khó khăn do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại, các quốc gia đã tìm đến các công cụ hỗ trợ, trong đó XTTM được coi là một công cụ hữu hiệu. Công cụ XTTM nếu được sử dụng khoa học, đúng quy mô, thời gian, địa điểm sẽ góp phần phát triển thị trường trong nước, kích thích sản xuất, hạn chế NK, phát triển thị trường XK với hiệu quả ngày càng cao, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, của DN và làm tăng khả năng thu hút đầu tư vào các nền kinh tế.
Trong xu hướng toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là “Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại nhiều nước đang tác động đến sự tăng trưởng bền vững của thương mại sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra yêu cầu mới vơi các chính phủ trong việc tham gia hoạch định các chiến lược XTTM. Nhiều quốc gia chú trọng mở rộng hoạt động XTTM trên phạm vi quốc tế để trợ giúp, thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, vì vậy sẽ tao ra sự gia tăng về áp lực cạnh tranh trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa với quy mô toàn cầu: cạnh tranh với các DN trong nước, cạnh tranh với DN tại nước xuất khẩu, cạnh tranh với các DN cùng xuất khẩu vào một thị trường, cạnh tranh với các loại sản phẩm thay thế.
Trong những năm qua, Công tác XTTM, tổ chức triển khai quảng bá sản phẩm tuy đã được quan tâm và đạt một số kết quả, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chưa chuyên nghiệp, bài bản; Phương thức tiếp thị, bán hàng còn qua nhiều trung gian, sử dụng thương hiệu của khách hàng, tiếp cận thị trường chưa tốt; Sản phẩm XK ít được vào các kênh phân phối lớn của các nước; Thị trường nội địa còn bị bỏ ngỏ, trong khi đây là khu vực tạo được sức cạnh tranh lớn, tạo giá trị gia tăng cao; Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ chuỗi tiêu thụ sản phẩm; DN tham gia XK chưa nắm vững pháp luật của nước NK, chưa thông thạo về thanh toán quốc tế với bạn hàng.
Do vậy, để hoạt động XTTM đối với các sản phẩm OCOP của Việt Nam nâng cao được hiệu quả, thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán, phát triển thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong bối cảnh tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá kinh tế cùng với sự xuất hiện của nhiều kỹ thuật, công cụ XTTM mới, các hoạt động XTTM cũng cần phải có những thay đổi phù hợp. Tùy thuộc từng loại sản phẩm OCOP, từng loại công cụ XTTM có những chương trình XTTM phù hợp nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao. Bên cạch vai trò kiến tạo của Nhà nước, các địa phương, tổ chức, DN, HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP cần quan tâm thực hiện một số vấn đề, giải pháp sau:
Thứ nhất, thay đổi các hoạt động XTTM truyền thống từ việc chỉ xúc tiến bán những cái mình có thể sản xuất được sang tiến hành tất cả các hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm OCOP mà thị trường có nhu cầu, bán đúng kênh khách hàng, với giá cả cạnh tranh. Nói cách khác, bán những gì mà thị trường cần, chứ không phải những cái mà mình có khả năng sản xuất, “làm những cái có thể bán được thay vì tìm cách bán những cái có thể làm được”.
Thứ hai, việc thực hiện các hoạt động XTTM cần phải xác định rõ lộ trình, nguồn lực thực hiện qua việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, dự báo thương mại ở trong nước và thị trường thế giới. Các thông tin thị trường phải được phân tích kỹ lưỡng để đưa ra nhận định, đánh giá cụ thể về nhu cầu thị trường, những cơ hội cần khai thác và nguy cơ phòng tránh.
Thứ ba, đổi mới về mô hình, phương thức thực hiện thông tin thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng thu thập, xử lý, phân tích nguồn thông tin thị trường đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ OCOP. Đặc biệt chú ý tới một số yêu cầu cơ bản về thông tin thị trường như quy mô thị trường, sản phẩm được tiêu thụ phổ thông, đối tượng dẫn dắt thị trường, danh sách các DN đầu mối (nhà NK, nhà phân phối, nhà bán lẻ hiện đang hoạt động trên thị trường),…
Thứ tư, phải phân loại thị trường theo yêu cầu chất lượng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động XTTM phù hợp với từng thị trường, từng sản phẩm, đúng chất lượng và số lượng theo nhu cầu thị trường. Ví dụ, đối với sản phẩm OCOP chất lượng cao, có ưu thế, đặc tính riêng biệt, có khả năng canh tranh và lợi thế so sánh thì sẽ ưu tiên XTTM, mở rộng thị trường tiêu thụ vào những thị trường có thể mang lại giá trị cao, nhiều đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc thị trường.
Thứ năm, trong qua trình triển khai thực hiện cần thường xuyên đánh giá hiệu quả của kế hoạch, chương trình, hoạt động XTTM đối với sản phẩm, dịch vụ OCOP để xem xét mức độ phù hợp với môi trường, điều kiện thương mại mới hay không để từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu giải pháp, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, chương trình, hoạt động XTTM theo yêu cầu thực tiễn.
Các giải pháp trên nếu được quan tâm thực hiện sẽ góp phần nâng cao vai trò của XTTM trong và ngoài nước với công tác quảng bá sản phẩm OCOP, từ đó hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, đặc biệt là tại khu vực nông thôn; góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Hoàng Sơn – Agritrade