Nội dung chính của AgroViet 2024

Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế – AgroViet là sự kiện xúc tiến thương mại thường niên quan trọng và có quy mô lớn nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trải qua 23 kỳ tổ chức, Hội chợ năm nay được tổ chức nhằm thúc đẩy việc quảng bá và đẩy mạnh tiềm năng, năng lực của các tỉnh, thành phố trong cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp địa phương; Kết nối chuỗi giá trị nông sản, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài hiểu rõ về sản phẩm, văn hóa, thị trường nông sản Việt, đặc biệt là nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP; giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, tạo diễn đàn chuyên sâu trao đổi những kinh nghiệm tiên tiến về sản xuất, công nghệ và chất lượng trong nông nghiệp.

1. Thông tin chung về AgroViet 2024

Tên tiếng Việt: Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 – AgroViet 2024.

Tên tiếng Anh: The 24th Vietnam InternationThe 24rd International Agriculture Trade Fair – AgroViet 2024

Chủ đề Hội chợ:  Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thời gian: 20 – 23 tháng 11 năm 2024.

Quy mô: Khoảng 200 gian hàng.

Địa điểm: Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị tổ chức thực hiện: Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp.

Đơn vị phối hợp: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường

2. Hoạt động của Hội chợ Triển lãm

a) Tổ chức các gian hàng

 – Gian hàng Triển lãm chung

+ Bố trí tại khu vực trung tâm Hội chợ được thiết kế, trang trí đặc biệt nhằm quảng bá về thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

+ Diện tích dự kiến: 120m2.

+ Nội dung:

Quảng bá về thành tựu ngành Nông nghiệp Việt Nam, kết quả các chương trình mục tiêu Quốc Gia của Bộ thông qua hình ảnh, số liệu, clip quảng bá về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; các sản phẩm OCOP cấp Quốc Gia…

Giới thiệu các mô hình kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp là kết quả nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp.

Trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao; nhóm sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu (gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thực phẩm chế biến,…); sản phẩm OCOP 4*- 5* cấp quốc gia… minh họa cho các hình ảnh và số liệu.

– Khu Triển lãm Quốc tế máy móc và công nghệ chế biến sau thu hoạch 2024

+ Mục tiêu: Tạo một sự kiện chuyên ngành có uy tín và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia, và nhà quản lý từ khắp nơi trên thế giới; Trưng bày và giới thiệu những tiến bộ, cải tiến về máy móc và công nghệ chế biến sau thu hoạch đang có sẵn trên thị trường quốc tế; Tạo cơ hội giao dịch trực tiếp và xúc tiến hợp tác giữa các nhà cung cấp máy móc, công nghệ và các đối tác tiềm năng.

+ Diện tích trưng bày: Bố trí trong nhà trên diện tích 1.000m2 các gian hàng triển lãm chuyên đề tương đương 50 gian hàng.

+ Đối tượng tham gia: các quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực ASEAN, Nga, Belarus, Australia…), tổ chức nước ngoài, công ty liên doanh; doanh nghiệp trong nước.

+ Sản phẩm mục tiêu: Máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghệ chế biến sau thu hoạch; công nghệ làm vườn, trang trại; công nghệ tưới tiêu; công nghệ chăn nuôi, trồng trọt…

+ Khu triển lãm tách biệt với các gian hàng về nông sản, được bố trí chuyên nghiệp.

–  Khu gian hàng trong nước gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp

+ Quy mô dự kiến: tương đương từ 100 đến 120 gian hàng tiêu chuẩn.

+ Phương thức triển khai: Khu gian hàng trong nước được phân chia thành 03 phân khu theo nhóm sản phẩm gắn với chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mỗi phân khu sẽ bố trí khu gian hàng cho các đơn vị trực tiếp giới thiệu các sản phẩm và tìm kiếm khách hàng; xây dựng không gian để các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký giới thiệu, trình diễn các sản phẩm mới, các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Cụ thể:

(i) Khu gian hàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao (20 gian): các sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các sản phẩm giá trị xuất khẩu cao, các sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh và sản phẩm nằm trong chương trình OCOP cấp quốc gia.

 (ii) Khu gian hàng giống, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững (20 gian): giống (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản), vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững (phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học…), thiết bị cơ giới phục vụ cho sản xuất (máy phun thuốc, hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt…), giải pháp khoa học công nghệ; dịch vụ phụ trợ: máy và thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp sản xuất bao bì sản phẩm; công nghệ phục vụ cho chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp; dịch vụ logistics, kho lạnh; dịch vụ tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, các chuỗi phân phối sản phẩm, các sàn thương mại điện tử…

(iii) Khu gian hàng địa phương và hiệp hội (90 gian hàng): khoảng 15-20 tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hưng Yên, Lào Cai, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Vĩnh Long; … trưng bày quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của các địa phương, các lĩnh vực thu hút đầu tư nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; sản phẩm OCOP 3* trở lên.

– Không gian quảng bá giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền

+ Quy mô dự kiến: 72 m2, được bố trí phía bên tay trái sảnh khai mạc

+ Nội dung: giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền.

+ Phương thức triển khai:

(i) Trưng bày các hình ảnh, thông tin về các địa điểm du lịch nông thôn, bố trí các bàn để cung cấp thông tin; giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền trên cả nước.

(ii) Quảng bá sản phẩm OCOP của 63 tỉnh thành, gắn sản phẩm theo tỉnh trên bản đồ Việt Nam và trên mỗi sản phẩm đó có mã QR code, khách check mã QR ngoài thông tin về sản phẩm và có cả thông tin về văn hóa và du lịch đặc trưng của tỉnh đó.

Không gian trình diễn, trải nghiệm ẩm thực văn hóa Việt

+ Quy mô: 100 m2 được bố trí phía bên tay phải sảnh khai mạc

+ Nội dung: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm OCOP, giới thiệu, trình diễn quy trình chế biến, pha chế trà, cà phê. Khách hàng tham quan được thưởng thức, thử nếm miễn phí đồ uống.

+ Phương thức triển khai:

Trưng bày các hình ảnh, thông tin, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp chủ động bố trí nghệ nhân trình diễn quy trình chế biến, pha chế đồ uống mời và giới thiệu với khách hàng tham quan, giao dịch.

b) Các hoạt động trong Hội chợ

– Tổ chức Hội nghị giao thương giữa các Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp Trung Quốc

– Tổ chức Lễ Khai mạc Hội chợ.

– Phối hợp tổ chức các hoạt động sự kiện khác trong khuôn khổ Hội chợ.

c) Tuyên truyền, Quảng cáo

– Tổ chức họp báo tuyên truyền, giới thiệu về Hội chợ; đưa thông tin, tuyên truyền về Hội chợ và các sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ trên các báo trong nước: Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Báo Công thương…

– Tạo video quảng cáo về sự kiện để chia sẻ trên các nền tảng truyền thông và quảng cáo.

– Phối hợp với các tổ chức hiệp hội nước ngoài, các đại sứ quán để truyền thông hội chợ đến với các doanh nghiệp quốc tế; phối hợp một số Bộ ngành, Hiệp hội; Đặt pano truyền thông trên một số website uy tín.

– Treo pano truyền thông về Hội chợ (tại trụ sở Bộ NN&PTNT số 2 Ngọc Hà, số 10 Nguyễn Công Hoan, số 26 Phạm Văn Đồng và 489 Hoàng Quốc Việt).

– In các ấn phẩm phục vụ Hội chợ: bộ hồ sơ mời Hội chợ, catalogue, túi đựng catalogue, thẻ gian hàng, thẻ BTC, tờ rơi, Giấy mời, khai mạc, mời tham quan Hội chợ phát hành rộng rãi…

– Làm vật phẩm lưu niệm về Hội chợ để truyền thông và quảng bá.

– Xây dựng kênh và quảng bá hội chợ trên các kênh như: Facebook, Instagram, Tiktok, google, Zalo; kết hợp với KOL tổ chức các sự kiện quảng bá Hội chợ trên nền tảng số;

– Quảng cáo và đưa tin trên một số báo uy tín về chương trình và các sự kiện Hội chợ; chạy chân chữ trên truyền hình VTV1, phát thanh trên VOV giao thông.

– Tạo các chiến dịch email marketing chuyên nghiệp và hấp dẫn để gửi mời tham gia đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Translate »